Báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) chỉ ra rằng, việc đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành tại Đồng Nai và phát triển TP.Thủ Đức, cộng với hàng loạt tuyến cầu, đường kết nối không gian phát triển các tỉnh Miền Đông Nam Bộ với TP.HCM đã tạo sóng cho thị trường bất động sản các tỉnh thuộc khu vực này.
Cụ thể, tại Bình Dương, các thành phố trực thuộc tỉnh có lợi thế tiếp giáp với TP.HCM (trong đó có TP. Thủ Đức) và đang có tiềm lực phát triển kinh tế như Thuận An, Dĩ An đang trở thành mảnh đất màu mỡ để phát triển loại hình dự án nhà ở chung cư có giá phù hợp. Đây là loại sản phẩm mà TP. HCM hiện đang thiếu và tiêu thụ rất tốt.
Theo thống kê của VARs, giá căn hộ trong năm 2020 tại Bình Dương đã bị đẩy lên nhanh chóng, bất chấp thời kỳ dịch Covid-19. So với năm 2019, giá căn hộ trung bình khoảng 25 - 30 triệu đồng/m2 đã bị đẩy lên mức 30 - 35 triệu đồng/m2, thậm chí là 37 - 38 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 15%).
Tại Đồng Nai, với lợi thế tiếp giáp khu Đông TP.HCM và bản thân tỉnh đang có sự tăng trưởng kinh tế tốt, đặc biệt là việc đầu tư sân bay Long Thành đã khiến các dự án đất nền tại đây phát triển mạnh. Kéo theo đó, giá đất cũng tăng trưởng mạnh. Nếu trong năm 2019, giá đất bình quân tại Đồng Nai dao động trong khoảng 12 - 14 triệu đồng/m2 thì năm 2020 bị đẩy mạnh lên bình quân 22 triệu đồng/m2. Đất tại thị trấn Long Thành có nơi đã tăng lên mức hơn 100 triệu đồng/m2. Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đây cũng là tỉnh tiếp giáp TP.HCM và có lợi thế phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch.
Theo VARs, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương đã phát triển mạnh các dự án bất động sản từ rất sớm. Sau nhiều lần thăng trầm, thị trường bất động sản tại địa phương này hiện khá ổn định. Do được chính quyền địa phương quản lý hiệu quả nên giá đất đai không có nhiều biến động, đang duy trì ở mức trung bình hơn 10 triệu đồng/m2.
Xa hơn là khu vực Cần Thơ, thị trường trầm lắng suốt từ đầu năm nhưng đến cuối tháng 7/2020 bất động sản Cần Thơ đã sôi động trở lại khi dịch được kiểm soát. Những dự án được đầu tư tốt, hoàn thành hạ tầng và có đầy đủ pháp lý (có sổ đỏ) được các nhà đầu tư quan tâm và giao dịch mạnh. Lượng cung ra thị trường khoảng 500 sản phẩm đất nền, tiêu thụ đạt 65%. Các dự án gần trung tâm thành phố, gần đường lớn có giá bình quân từ 40 - 60 triệu đồng/m2. Dự án nằm lớp trong, tiếp giáp đường nhỏ có mức giá từ 19 - 30 triệu đồng/m2. Mức giá này tăng khoảng 7% so với năm 2019.
Ngoài ra, Long An cũng là tỉnh tiếp giáp với TP.HCM, các dự án bất động sản tại đây được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, cũng bởi dịch bệnh nên lượng tiêu thụ chậm, các dự án chỉ đạt tỷ lệ hấp thụ bình quân khoảng 20%. Một số dự án có tiềm năng tốt, có giá bán dao động từ 21 - 26 triệu đồng/m2. Các vùng khác trong tỉnh có giá bình quân đạt 13 - 15 triệu đồng/m2.
Giá đất vùng ven TP.HCM chưa bao giờ hết nóng.
Ghi nhận thực tế tại một số địa phương cũng cho thấy, tại Long An nhiều dự án chào thị trường thời gian gần đây có giá thấp nhất khoảng 15 - 20 triệu đồng/m2. Mức giá trên 20 triệu/m2 cũng ghi nhận ở một số dự án khu vực Nhơn Trạch, Đồng Nai. Đặc biệt, tại Long Thành, nơi vừa khởi công sân bay quốc tế, giá bán các dự án đã đẩy lên mức 20 - 35 triệu/m2. Tại thị trường Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) với mức giá đất nền phổ biến trên dưới 10 triệu đồng/m2.
Theo VARs, nguyên nhân tăng giá đất tại các huyện vùng ven xuất phát từ việc những địa phương này có chủ trương phát triển thành quận, có sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của những nhà phát triển bất động sản lớn, có công bố quy hoạch cho sự phát triển đô thị…
Hội cũng nêu ra hiện nay có tình trạng nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn làm cho đất đai làng xóm sôi động, nhộn nhịp. Giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt. Có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn/m2, nay đã lên đến vài triệu đồng, vài chục triệu đồng/m2. Thậm chí, đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu đồng/m2.
Tương tự, do khan hiếm nguồn hàng bất động sản trong bối cảnh lượng cầu rất cao, giá căn hộ tại TP.HCM đã tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao. Trong khu dân cư, do khan hiếm nguồn hàng dự án, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến đất nền tại các huyện ven đô, tạo ra sự tăng giá mạnh cho đất đai tại một số quận, huyện như: Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi…
Theo các chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản vùng ven tăng giá do ảnh hưởng từ nguồn cung hạn chế của TP.HCM. Bên cạnh đó, việc cơ sở hạ tầng ở nhiều quận, huyện của TP.HCM được đầu tư đồng bộ hơn cũng làm bất động sản ở các địa phương kế cận tăng giá theo.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng hiện tượng giá đất ở vùng ven tăng cao là do quỹ đất tại trung tâm ngày càng hạn hẹp khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp đổ xô vào thị trường vệ tinh. Hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, nâng cấp cùng hàng loạt các dự án lớn đã đẩy giá nhà đất tại các khu vực vùng ven thành phố tăng cao.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển (CBRE) cũng nhận định, thị trường ở huyện Long Thành đã có nhiều dự án quy mô lớn đã triển khai. Trong khi đó, hơn 90% lượng khách hàng mua dự án khu vực này đến từ TP.HCM.
Thế nhưng, khi tình trạng đầu cơ tham gia quá nhiều dễ xảy ra khả năng sốt ảo như đã từng xảy ra ở quận 9, huyện Bình Chánh (TP.HCM). Vì vậy, để tránh những cơn sốt ảo, cần có sự can thiệp kịp thời của chính quyền địa phương, đặc biệt thông tin quy hoạch phải rõ ràng. Những thông tin về xây dựng hạ tầng giao thông, sân bay, dự án phát triển kinh tế… phải được minh bạch, chính xác và có lộ trình rõ ràng để người dân dễ dàng nắm được.
Còn theo dự báo của DKRA Việt Nam, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2021 có thể phục hồi và tăng so với năm 2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đất nền tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư hàng đầu trong năm 2021.
Theo Reatimes.vn